Tìm hiểu về tốc độ màn trập trong nhiếp ảnh

Tìm hiểu về tốc độ màn trập trong nhiếp ảnh

11/16/2021 10:04:06 AM

Tốc độ màn trập cùng với ISO và khẩu độ là 3 yếu tố quan trọng trong nhiếp ảnh. làm chủ được tốc độ màn trập giúp bạn sáng tạo những bức ảnh vô cùng độc đáo. Vậy tốc độ màn trập là gì? Nó có vai trò như thế nào trong nhiếp ảnh? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Tìm hiểu về tốc độ màn trập trong nhiếp ảnh

1. Tốc độ màn trập là gì?

Tốc độ màn trập một thuật ngữ quan trọng được thảo luận nhiều trong nhiếp ảnh. Tốc độ màn trập là thời gian mà màn trập máy ảnh mở ra để ánh sáng chiếu qua thấu kính vào đến cảm biến. Hay hiểu một cách đơn giản thì đây là thời gian mà cảm biến tiếp xúc với ánh sáng, nên còn được gọi là thời gian phơi sáng. Tốc độ màn trập được tính bằng giây hoặc một phần giây. Mẫu số càng lớn nghĩa là tốc độ màn trập càng nhanh. Một số ví dụ:

- Tốc độ màn trập 1s có nghĩa là cảm biến máy ảnh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng trong 1 giây.

- Tốc độ màn trập 1/500s có nghĩa là cảm biến máy ảnh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng trong 0,002 giây.

- Tốc độ màn trập 1/2000s có ý nghĩa là cảm biến máy ảnh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng trong 0,0005 giây.

Tìm hiểu về tốc độ màn trập trong nhiếp ảnh-1

Hình ảnh mô phỏng cho tốc độ màn chập nhanh hay chậm

Tốc độ màn trập ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề độ sáng của bức ảnh. Tốc độ màn trập càng chậm, cảm biến càng thu được nhiều ánh sáng, khiến bức ảnh chụp càng sáng hơn. Và ngược lại.

Ngoài ảnh hưởng đến độ sáng, nắm bắt tốt tốc độ màn trập còn giúp bạn tạo hiệu ứng ấn tượng liên quan đến chuyển động của đối tượng. Ở tốc độ màn trập cao, bạn có thể “bắt đứng” chuyển động của đối tượng. Thủ thuật này rất hữu ích để chụp ảnh chủ đề thể thao, xe đang chạy, động vật hoang dã… Ngược lại, tốc độ màn trập thấp thì đối tượng chuyển động sẽ bị nhòe mờ. Và kỹ thuật này được ứng dụng để sáng tạo những bức ảnh với hiệu ứng chuyển động độc đáo.

Ngày nay, các máy ảnh DSLR và mirrorless hiện đại có khả năng đạt tốc độ màn trập nhanh nhất tới 1/8000s và chậm nhất khoảng 30s.

Tìm hiểu về tốc độ màn trập trong nhiếp ảnh-2

Thay đổi tốc độ màn trập nhanh/chậm cho những sáng tạo ấn tượng

2. Hướng dẫn cài đặt tốc độ màn trập để tạo hiệu ứng sáng tạo trong nhiếp ảnh

Tùy vào mục đích chụp ảnh mà bạn cài đặt thông số tốc độ màn trập sao cho phù hợp. Với những người mới bắt đầu nhập môn nhiếp ảnh, có thể chọn sử dụng chế độ tự động cơ bản để máy ảnh tự tính thời gian chụp sao cho bức ảnh đủ sáng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp bạn cần điều chỉnh tăng/giảm tốc độ để chụp chuyển động nhanh hoặc tạo hiệu ứng sáng tạo. Lúc này, bạn cần chuyển máy ảnh sang chế độ ưu tiên tốc độ, ký hiệu S (hoặc Tv – tùy hãng máy ảnh). Để điều chỉnh, bạn chỉ cần xoay bánh răng trên thân máy để tăng/giảm tốc độ màn trập.

Thiết lập tốc độ màn trập phù hợp cho phép bạn tạo nhiều hiệu ứng sáng tạo trong nhiếp ảnh. Tốc độ màn trập nhanh có thể “đóng băng” đối tượng đang chuyển động nhanh. Bạn có thể các chụp vận động viên đang thi đấu, xe cộ đang chạy, một chú chim đang bay hay “bắt dính” một giọt nước sắp rơi khỏi lá…

Tìm hiểu về tốc độ màn trập trong nhiếp ảnh-3

"Bắt dính" một chú chim đang bay ở tốc độ màn trập nhanh

Vậy điều gì sẽ xảy ra khi chụp ảnh với tốc độ màn trập thấp? Ở tốc độ màn trập thấp, bạn có thể sáng tạo các hiệu ứng trừu tượng độc đáo, thú vị. Đây là một trong những cài đặt ưa thích của các chuyên gia nhiếp ảnh phong cảnh. Có thể ứng dụng chụp ảnh thác nước để chúng trông mượt mà, mềm mại như dải lụa. Hay chụp dòng suối với sự chuyển động của dòng nước như một làn sương mịn màng, tạo hiệu ứng “sông ngân hà” độc đáo.

Tìm hiểu về tốc độ màn trập trong nhiếp ảnh-4

Hình ảnh dòng chảy thác nước mượt mà như dải lụa khi chụp ở tốc độ màn trập chậm

Bạn cũng có thể cài đặt tốc độ màn trập thấp để chụp ảnh phơi sáng buổi tối. Nó được ứng dụng để chụp ảnh đường phố với xe cộ đang chạy, tạo những vệt sáng dài đẹp mắt. Hay mở khẩu thật lâu thể ghi lại toàn bộ sự kỳ diệu của bầu trời đêm. Bạn sẽ thu được những bức ảnh hiển thị vô cùng độc đáo ở tốc độ màn trập chậm này. Tuy nhiên việc mở khẩu lâu hằng ngày cũng rất hại cho cảm biến máy ảnh. Một lưu ý khác là tốt nhất bạn cần sử dụng chân máy thật chắc và đặt máy ảnh ở một vị trí cố định để tránh bị rung hình khi chụp phơi sáng.

Tìm hiểu về tốc độ màn trập trong nhiếp ảnh-5

Giảm tốc thật chậm và chú ý dùng thêm chân máy để chụp được bầu trời đêm ấn tượng như thế này

Kết luận

Sáng tạo từ việc thay đổi tốc độ màn trập là không có giới hạn. Vì vậy bạn đừng ngần ngại mà hãy thử thử nghiệm nhiều cách thay đổi tốc độ khác nhau để tạo ra những điều mới mẻ độc đáo và nổi bật. Đồng thời cần hiểu rõ và kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố khác, đặc biệt là khẩu độ và độ nhạy sáng ISO để tạo ra bức ảnh chất lượng bạn nhé.

Ngan Nguyen
Staff Writer
Ngân là một Senior Content Writer tốt nghiệp chuyên ngành Báo chí và có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện. Sự đam mê của cô với ngôn từ và visual art đã thúc đẩy tinh thần sáng tạo, trở thành nguồn cảm hứng để theo đuổi kiến thức về nhiếp ảnh nói riêng lẫn công nghệ nói chung. Hiện tại, ngoài công việc viết lách, Ngân cũng là một người nhiếp ảnh tự do có niềm yêu thích đặc biệt với máy ảnh Fujifilm và các thể loại ảnh chân dung và phong cảnh.

Tin mới cập nhật