Nâng tầm ảnh chụp đồ ăn với các lens macro, góc rộng và zoom
Nếu ống kính macro thành công khi khám phá những chi tiết nhỏ thì góc rộng để lại ấn tượng khi chụp những không gian rộng. Và ống kính zoom sở hữu sự đa dạng về khoảng cách cùng góc độ chụp. Ba loại ống kính với ba phong cách chụp khác nhau. Vậy đâu sẽ là ống kính phù hợp nhất trong nhiếp ảnh ẩm thực?
Bài viết này sẽ là cứu cánh cho những ai muốn biết liệu trong ba ống kính macro, góc rộng, zoom đâu sẽ là ống kính phù hợp nhất trong nhiếp ảnh ẩm thực.
Nội Dung Chính
1. Ống kính macro cho nhiếp ảnh ẩm thực
Ống kính macro là một trong những loại ống kính được sử dụng phổ biến cho chụp các chi tiết nhỏ, thể hiện sự tinh tế trong các vật thể. Nó được ứng dụng rộng rãi trong nhiếp ảnh thực vật, động vật, sản phẩm và đặc biệt là trong nhiếp ảnh ẩm thực.
Ưu điểm
Với độ phóng đại 1:1, 1:2, 1:3… ống kính macro giúp tăng cường độ sắc nét và chi tiết. Khoảng cách lấy nét gần và ngắn hơn so với các loại ống kính khác, cho phép bạn có thể dùng nó chụp thức ăn ở cự ly cực gần. Nó được ứng dụng chụp các chi tiết nhỏ nhất của món ăn như hạt tiêu, lá bạc hà, bột kem, nước đá… hay những chi tiết trang trí khác một cách rõ nét và sắc nét. Thông thường những bức ảnh được chụp bởi macro thường mang lại cảm xúc rõ nét, cũng như sự kích thích mạnh mẽ. Ví dụ một ly nước đá nếu bạn chụp ở cự ly gần những bong bóng nước được bốc hơi bên ngoài thành ly được phóng đại và thể hiện rõ nét. Điều này sẽ kích thích mạnh mẽ đến cảm xúc người xem, tạo ra cảm giác fresh, sảng khoái.
Bức ảnh được chụp bởi ống kính macro - với độ phóng đại vượt trội bạn dường như có thể thấy rõ từng hạt nước, qua đó khơi gợi cảm giác tươi mát (Nguồn ảnh: Chimkudo Studio)
Ngoài ra, ống kính macro nổi tiếng với khả năng tạo bokeh đẹp cùng với độ sâu trường hẹp. Sự kết hợp này tạo ra hiệu ứng nghệ thuật cũng như tập trung sự chú ý cần thiết vào bức ảnh. Chính vì vậy bức ảnh được chụp bởi macro thường thu hút và để lại ấn tượng sâu.
Nhờ vào độ sâu trường ảnh hẹp ống kính macro tạo nên hiệu ứng phông nền siêu mịn và tự nhiên (Nguồn ảnh: Cooking Classy)
Nhược điểm
Là ưu điểm đồng thời cũng trở thành nhược điểm của ống kính macro đó là khoảng cách lấy nét. Giới hạn khoảng cách khiến ống kính chỉ chụp tốt các đối tượng gần, vì vậy nó không phù hợp với những món ăn lớn cũng như set thức ăn. Thông thường nó được sử dụng để ghi lại hình ảnh món ăn, nước uống đơn lẻ như bánh, nước ép, trái cây,...Việc lấy nét gần đôi khi có thể che khuất nguồn sáng, gây ảnh hưởng đến chất lượng ảnh.
Ngoài ra, giới hạn về độ sâu trường ảnh cũng gây khó khăn trong việc tạo ra một bức ảnh có sự tương phản và chi tiết hoàn hảo. Điều này có nghĩa là chỉ có một phần nhỏ của ảnh sẽ được lấy nét. Khi chụp món ăn với nhiều chi tiết cũng như chi tiết nằm xa nhau có thể không được lấy nét đồng đều. Thêm nữa, độ phóng đại thường rất lớn, trong một vài trường hợp sẽ làm cho món ăn trông quá chi tiết hoặc không tự nhiên khi được chụp.
Khoảng cách lấy nét quá gần khiến nó không thể phù hợp với thức ăn có kích thước lớn, đồng thời độ phóng đại lớn khiến thức ăn trông quá chi tiết, không được tự nhiên (Nguồn ảnh: Ryan Stanikk)
Tóm lại, ống kính macro là lựa chọn tốt cho nhiếp ảnh ẩm thực, nhất là khi chụp những món ăn có nhiều chi tiết nhỏ và trang trí phức tạp. Nó đặc biệt phù hợp những món ăn cá thể thay vì sét thức ăn tổng thể. Một đặc trưng là ảnh được chụp với macro thường đem lại những cảm xúc rất cụ thể và tác động trực tiếp tới giác quan của người xem. Thêm nữa, ống kính macro thường phù hợp với một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, studio hoặc những người có nguồn tài chính và thực sự muốn đầu tư. Họ mong muốn một lựa chọn hoàn hảo, có sự chuyển đổi giữa các loại ống kính thay vì một ống kính với nhiều tính năng trong một.
Ảnh được chụp bởi ống kính Macro Canon 100mm f2.8L IS | Chụp: f4 1/160 ISO 100 (Nguồn ảnh: WeEatTogether.com)
2. Ống kính zoom khi chụp ảnh món ăn
Đây là ống kính được sử dụng rộng rãi nhất trong nhiếp ảnh ẩm thực, không chỉ với nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mà cả những người đam mê chụp ảnh F&B. Có thể nó không phù hợp để chụp phóng đại như macro hay góc rộng nhưng nó là sự lựa chọn cân bằng nhất cho nhiều mục đích sử dụng.
Ưu điểm
Một ưu điểm nổi trội nhất của lens zoom phải kể đến đó là khả năng linh hoạt. Ống kính zoom thường cho phép người dùng thay đổi góc chụp dễ dàng. Qua đó, nhiếp ảnh gia có thể đa dạng thỏa sức sáng tạo với đa dạng các góc chụp. Thêm vào đó, bạn sẽ dễ dàng thay đổi khoảng cách chụp mà không cần di chuyển gần hay xa giúp tiết kiệm thời gian và công sức. Với ống kính zoom, người dùng có thể thay đổi độ phóng đại một cách linh hoạt. Bức ảnh được tạo ra có sự đa dạng về kích thước và hình dạng mà vẫn giữ được độ sắc nét và tương phản của món ăn.
Với nhiều mục đích sử dụng chỉ trong một ống kính, bạn gần như không phải bỏ ra quá nhiều thời gian, sức lực, chi phí cho việc chuyển đổi ống kính.
Với khoảng tiêu cự linh hoạt ống kính gần như làm tốt mọi mục đích từ chụp gần cho đến chụp xa (Nguồn ảnh: Chimkudo Studio)
Nhược điểm
Giá của ống kính zoom thường cao khá cao. Vì vậy với một số người mới bắt đầu đây sẽ là một đầu tư lớn. Ngoài ra, khi sử dụng zoom để chụp các chi tiết nhỏ trên đồ ăn, ảnh có thể bị mất chi tiết hoặc mờ đi.
Với khả năng linh hoạt trong mục đích sử dụng, góc chụp, khoảng cách chụp, có thể nói ống kính zoom phù hợp với bất kỳ đối tượng nào muốn chụp ảnh đồ ăn. Chiếc lens này sẽ được ưa chuộng bởi những ai đang tìm kiếm một loại ống kính chụp ảnh đa dạng, linh hoạt và chất lượng cao.
Ảnh được chụp bởi ống kính Sony FE 16-35mm f/2.8 GM | Chụp: Sony A7R3, 35mm f/2.8 1/60s ISO 125 (Nguồn ảnh: 巷子裡的生活)
Ảnh được chụp bởi ống kính Sony FE 16-35mm f/2.8 GM | Chụp: Sony A7R3, 35mm f/2.8 1/15s ISO 2000 (Nguồn ảnh: 巷子裡的生活)
3. Ống kính góc rộng trong chụp ảnh ẩm thực
So với hai loại ống kính trên thì ống kính góc rộng ít được sử dụng trong nhiếp ảnh ẩm thực hơn. Nó được đánh giá là phù hợp cho phong cảnh, phóng sự những thể loại yêu cầu góc chụp rộng thay vì mức độ tập trung như chụp F&B (“Food and Beverage”). Tuy nhiên, trong một vài trường hợp thì lens góc rộng vẫn được lựa chọn.
Ưu điểm
Lens góc rộng sẽ cho phép bạn chụp được nhiều chi tiết của món ăn cũng như tiền cảnh xung quanh nó tạo cảm giác rộng lớn và tự nhiên. Bạn có thể chụp được toàn bộ cảnh quan của một bữa ăn, bao gồm cả không gian xung quanh và toàn bộ món ăn. Điều này thường có ích khi bạn muốn tạo một bức ảnh đầy đủ và cân bằng giữa background và đối tượng. Ngoài ra, ống kính này còn được biết đến với độ sâu trường ảnh rộng. Khi đó các đối tượng trong khung hình sẽ được thể hiện một cách rõ ràng.
Lens góc rộng thường sử dụng trong mục đích bạn muốn lấy hậu cảnh phía sau. Chính vì vậy ống kính này không phù hợp chụp ảnh menu mà phù hợp hơn với chụp ảnh mục đích PR cho nhà hàng (Nguồn ảnh: Vsco)
Với góc rộng, nhiếp ảnh gia có thể chụp được trong những không gian hẹp và không thể di chuyển quá xa để bắt góc nhìn rộng hơn. Đây sẽ là một lợi thế khi bạn muốn chụp ảnh trong những nhà hàng và quán ăn có không gian hạn chế.
Nhược điểm
Với góc chụp quá rộng, các đối tượng có thể trở nên quá nhỏ và không rõ nét. Điều này đặc biệt đúng khi chụp các món ăn đơn giản và nhỏ. Các chi tiết trong khung hình có thể trở nên mờ và không rõ ràng. Việc bắt được quá nhiều chi tiết trong khung hình, làm cho bức ảnh trở nên quá tải và khó nhìn.Vì vậy nó thường yêu cầu nhiếp ảnh gia có kỹ thuật cao cũng như kiến thức về cách sắp xếp đồ ăn. Ngoài ra ống kính góc rộng thường dễ gây ra hiện tượng méo hình. Đặc biệt là đồ ăn, có thể trông béo hoặc méo điều này có thể làm giảm giá trị thẩm mỹ của bức ảnh.
Ống kính rộng phù hợp với việc chụp một set đồ ăn lớn thay vì thức ăn đơn lẻ. Vì vậy các chi tiết trong thức ăn sẽ không được thể hiện rõ nét (Nguồn ảnh: Frenchly)
Nhìn chung, ống kính này không quá phù hợp với nhiếp ảnh ẩm thực. Tuy nhiên nếu bạn có điều kiện tài chính cũng như có nhu cầu chuyển đổi khi cần thiết thì có thể cân nhắc lựa chọn. Và nếu bạn đã sở hữu một con góc rộng rồi và bạn không có nhu cầu cấp thiết cho chụp ảnh F&B thì bạn có thể dùng con này cho nhiều mục đích khác nhau. Chiếc lens này sẽ thích hợp hơn với những bạn không phải là nhiếp ảnh gia ẩm thực. Có nghĩa là bạn không cần đầu tư riêng một ống kính rộng cho nhu cầu này.
Ảnh được chụp bởi ống kính Sony FE 24mm f/1.4 GM | Chụp: Sony A7R III, 24mm f/1.4 1/5,000 Auto ISO 100 (Nguồn ảnh: kenrockwell.com)
Tạm kết
Tùy vào mục đích sử dụng cũng như nhu cầu tài chính để đưa ra quyết định xem đâu là ống kính phù hợp. Nếu bạn đã sở hữu một trong ba con ống kính trên và không có nhiều nhu cầu về chụp ảnh đồ ăn, bạn có thể tiếp tục sử dụng nó. Với những người mới bắt đầu vào con đường chụp ảnh F&B chuyên nghiệp, ống kính zoom là lựa chọn hàng đầu. Còn với những studio, chuyên gia trong lĩnh vực nhiếp ảnh ẩm thực, những người có nền tảng kinh tế nên sử dụng ống kính zoom làm công cụ chính. Và bạn có thể sử dụng lens macro và lens góc rộng làm các lựa chọn thay thế để cho hiệu quả tối ưu nhất trong các tình huống công việc.
Tin mới cập nhật
- Cho dù bạn là một Vlogger dày dặn kinh nghiệm hay chỉ mới bắt đầu, dùng máy ghi âm trong quay vlog có thể nâng cao đáng kể chất lượng video của bạn, giúp bạn trở nên khác biệt.
- Thẻ nhớ máy ảnh đóng vai trò là bộ nhớ cho hệ thống máy ảnh kỹ thuật số của bạn và giúp bạn có thể lưu giữ những kỷ niệm đáng trân trọng, cho dù đó là hình ảnh có độ phân giải cao hay video 4K.
- Lớp học chỉ áp dụng cho khách hàng mua máy ảnh và ống kính Canon được nhập khẩu & phân phối bởi Công ty TNHH Canon Marketing Việt Nam từ ngày 01/01/2024.
- Khám phá các hệ thống micro không dây mới nhất của RØDE: Wireless GO II và Wireless ME siêu nhỏ gọn. Tìm hiểu về các tính năng tiên tiến của chúng, bao gồm ghi âm trên bộ và kiểm soát gain thông minh, hoàn hảo cho nhà sản xuất nội dung.
- Nâng cao chất lượng âm thanh podcast của bạn với lời khuyên từ chuyên gia về lựa chọn micro, môi trường ghi âm, và kỹ thuật xử lý âm thanh nâng cao. Đưa podcast của bạn lên tiêu chuẩn chuyên nghiệp.